Hoạt động công ty

Lâm Đồng: Khai thác cao lanh phải đảm bảo yếu tố môi trường

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng thì hiện nay hàm lượng cao lanh có trong đất sét của tỉnh tập trung lớn nhất tại 2 nơi là huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc…tuy trữ lượng khá lớn nhưng vẫn nằm ở mức độ khai thác thô chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù cao lanh được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như: sản xuất đồ gốm sứ, vật liệu chịu lửa, vật liệu mài, sản xuất nhôm, phèn nhôm, đúc, chất độn sơn, cao su, giấy, xi măng trắng v.v…nhưng hiện nay chỉ tập trung cho ngành gốm sứ và sơn là chủ yếu.

http://221.132.38.109/nvdata/uploads/Image/2017/12/25/daychuyencaolanh_20171225065100.jpg

Dây chuyền sản xuất và đóng gói cao lanh.

Để không lãng phí và khai thác có hiệu quả khoáng sản cao lanh Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 4 giấy phép khai thác tại Lâm Đồng, trong đó Công ty cổ phần Trung Thành là đơn vị duy nhất được cấp 2 giấy phép vì đủ tiêu chuẩn khai thác thô, chế biến sâu cao lanh và meta cao lanh...đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường, tỉnh Lâm Đồng cho biết vì bản chất cao lanh là đất sét không phải là chất độc nên vấn đề ô nhiễm môi trường là không lớn, chỉ cần rửa trôi là thu được tài nguyên. Ông Phúc, cũng đánh giá cao về công nghệ khai thác, tinh chế sâu nguồn tài nguyên và vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách địa phương của các công ty.

“Về việc khai thác cao lanh, các nhà đầu tư xây dựng các bể lắng, hồ lắng…xử lý trước khi thải ra sông hồ và khai thác theo hình thức cuốn chiếu làm tới đâu phải hoàn thổ và trồng rừng để trả lại hiện trạng ban đầu”, ông Phúc yêu cầu.

http://221.132.38.109/nvdata/uploads/Image/2017/12/25/mokhaithaccaolanh_20171225065159.jpg

Mỏ khai thác cao lanh ở Lâm Đồng.

Như vậy đến thời điểm này thì Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là địa phương duy nhất có nhà máy chế biến sâu về sản phẩm cao lanh, meta cao lanh. Tỉnh cũng đang mở rộng các chính sách thu hút đầu tư các tập đoàn trong và ngoài nước về khai thác khoán sản và tinh chế các sản phẩm sau khai thác để đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi ích lâu dài và đảm bảo yếu tố môi trường bền vững.

Tin, ảnh: Trung Nam

prev_doitac next_doitac